Đường dây nóng: 0212.8556.006
BÌNH CHỌN

Bình chọn đánh giá?

LIÊN KẾT WEBSITE

LỊCH SỬ NHỮNG LẦN SÁP NHẬP TỈNH, THÀNH Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY

Cập nhật: 10:59:03 07 / 07 / 2025
Lượt xem: 66
Sau khi thống nhất đất nước vào tháng 4/1975, Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh, đến thời điểm này, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố.

Thông tin tổng hợp của Bộ Nội vụ về quản lý địa giới đơn vị hành chính các cấp được công bố cách đây vài năm (năm 2017), cho hay sau khi thống nhất đất nước vào tháng 4/1975, Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh; trong đó, miền Bắc có 25 đơn vị và miền Nam có 47 đơn vị. Đến tháng 12/1975, Quốc hội khóa V đã ra nghị quyết bãi bỏ cấp khu, giải thể khu tự trị, hợp nhất đơn vị hành chính, sáp nhập hàng loạt tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Đầu năm 1976, việc sáp nhập tiếp tục được thực hiện trên diện rộng trải dài từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Khi này, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Năm 1978, Quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện; tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, cả nước lúc này có 39 tỉnh, thành. Một năm sau, năm 1979, cả nước có 40 đơn vị hành chính sau khi thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tương đương cấp tỉnh.

Năm 1989, cả nước có 44 tỉnh thành, đặc khu; gồm 40 tỉnh, 3 TP và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Thời điểm này, tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra làm ba tỉnh là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành Quảng Ngãi và Bình Định; tỉnh Phú Khánh được tách ra thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Tới năm 1991, cả nước có 53 tỉnh thành. Lúc này, hàng loạt tỉnh nhập lại trước đây như tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh; chia tỉnh Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái; chia tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang; tỉnh Gia Lai - Kon Tum tách ra thành tỉnh Gia Lai và Kon Tum; tỉnh Hà Sơn Bình được tách ra thành tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở ba huyện tách từ tỉnh Đồng Nai hợp nhất với đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo (giải thể đặc khu). Chuyển một số huyện ngoại thành Hà Nội về các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Tây (huyện Mê Linh về tỉnh Vĩnh Phú; các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây về tỉnh Hà Tây). Tỉnh Thuận Hải chia ra để tái lập tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận; tỉnh Hậu Giang tách ra thành tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng; tỉnh Cửu Long chia ra để tái lập tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long; tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình.

Năm 1997, cả nước tăng lên 61 tỉnh thành khi một số tỉnh tiếp tục chia tách. Cụ thể, tỉnh Bắc Thái tách thành tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên; tỉnh Hà Bắc tách thành tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh; tỉnh Nam Hà tách thành tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định; tỉnh Hải Hưng tách thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên. Đồng thời, cũng trong năm này, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng (trực thuộc Trung ương); tỉnh Sông Bé tách thành hai tỉnh là Bình Dương và Bình Phước; tỉnh Vĩnh Phú tách thành hai tỉnh là Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ; tỉnh Minh Hải tách ra thành hai tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau.

Năm 2004, nước ta tách thêm ba tỉnh nâng số đơn vị hành chính cấp tỉnh lên đến 64. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk tách thành tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Cần Thơ tách thành tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ (trực thuộc Trung ương); tỉnh Lai Châu tách ra thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên.

Đến năm 2008, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, bốn xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) về TP Hà Nội.

Ngày 12/6/2025  tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nghị quyết này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc sắp xếp lại hệ thống hành chính của Việt Nam, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Theo đó, từ ngày 01/7/2025 việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động trên cả nước với 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Trong đó có 19 tỉnh và 4 thành phố hình thành sau sắp xếp và 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp là các tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sơn La và thành phố Hà Nội, thành phố Huế.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tạo không gian phát triển; phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay; nêu cao tính tự chủ, tự lực, tự cường của các cấp chính quyền địa phương; đặc biệt để chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, giải quyết công việc của người dân nhanh hơn, thuận lợi hơn; mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân nhiều hơn.

Cùng với những thăng trầm lịch sử, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã hòa chung nhịp sống của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, góp phần bồi đắp cho truyền thống lịch sử, văn hóa nước Việt. Và trong mỗi giai đoạn lịch sử, vùng đất này đều có những bước phát triển mới, không ngừng tích lũy nội lực để vươn lên xứng tầm vị thế thủ phủ Tây Bắc trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

Thông báo số 01 -TB ngày 02/01/1976 của Thường vụ Hội đồng Chính phủ 
về tỉnh lỵ các tỉnh hợp nhất
(đang được lưu giữ 01 bản tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Sơn La)

 





     Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh  

 

                                                                      Vũ Thị Hồng Nhung - TTLTLS


Các tin khác:
Các tin liên quan:

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 168
Hôm qua : 205
Tháng này : 5442
Tổng truy cập : 282475
Đang trực tuyến : 1