Đường dây nóng: 0212 8508 999

Thống Báo

BÌNH CHỌN

Bạn đánh giá website này như thế nào?

LIÊN KẾT WEBSITE

Hạnh phúc giữa mùa xuân của nhân loại

Cập nhật: 02:01:52 22 / 03 / 2023
Lượt xem: 247
Hạnh phúc từ những điều giản đơn, trân quý những gì mình đang có, hành động để mang lại những điều tốt đẹp tới cho chính mình, cho những người xung quanh ta.

  “Mùa xuân đang đem lại hơi ấm cho đất trời, đang đem đến nhựa sống cho cỏ cây. Mùa xuân hay đem tới mỗi gia đình những nụ cười hạnh phúc” (2), trong đó từ khoá “hạnh phúc” nhiều năm trở lại đây ngày càng được tìm hiểu, nghiên cứu, đề cập đến nhiều hơn. Nếu tìm kiếm trên công cụ được đánh giá là phổ dụng nhất toàn cầu hiện nay là Google, thì dễ dàng cho chúng ta kết quả khoảng 94,3 triệu từ “hạnh phúc”, đây là con số tương đối lớn so với nhiều từ khóa khác. Và từ khoá ấy đã được khẳng định vai trò khi cách đây 11 năm được Liên hợp quốc chính thức công bố và chính thức 10 năm cả thế giới hưởng ứng ngày “Quốc tế Hạnh phúc” 20/3.

    Ngày 20/3, xét trên phương diện khoa học tự nhiên thì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo và có nghĩa độ dài của ngày và đêm bằng nhau. Điều này cũng đồng nghĩa, tượng trưng cho sự cân bằng của ánh sáng – bóng tối, âm – dương và quy luật tự nhiên cũng là sự hài hoà đó sẽ phần nào ảnh hưởng, tác động tới nhận thức – hành động, ước mơ – hiện thực, cá nhân – nhân loại, riêng – chung, thiếu – đủ,… Sự cân bằng đó là chìa khoá để mang đến hạnh phúc cho muôn người.

    Đối với Việt Nam, ngay từ khi nước nhà dành được độc lập, trong câu đầu tiên của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và với thế giới rằng "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"(3) hay ngay trong những Sắc lệnh đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì đi cùng với Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng là dòng tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” và 6 từ trong tiêu ngữ này vẫn luôn được sử dụng, trân trọng, gìn giữ cho đến nay. Như vậy, tất cả mọi tôn chỉ, hành động, thể chế, chế độ, chính sách của Việt Nam đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là “hạnh phúc”.

 

Sắc lệnh số 49-SL ngày 12/10/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quy định các văn bản, giấy tờ phải có “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”, trong văn bản này có dòng tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, ML1, hồ sơ 01.

 

    Riêng Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu, trong một số bài viết, nghiên cứu của mình ông cũng đã đưa ra nhiều quan điểm, khái niệm thực tiễn về vấn đề hạnh phúc mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ông cho rằng “Hạnh phúc là xu hướng tất yếu của lịch sử, là khát vọng chân chính của con người, là mục tiêu của mọi lối sống” (4), chính vì vậy mà “Từ khi tách khỏi giới động vật và khác với giới động vật, con người nhân hoá những nhu cầu rồi từ đó cũng nhân hoá hạnh phúc và nhu cầu hạnh phúc của mình. …Hạnh phúc của con người gắn liền với trình độ văn minh mà con người đã đạt được” (5).

 

Bài viết “Văn minh và hạnh phúc giữa mùa xuân của nhân loại” của GS. AHLĐ Vũ Khiêu. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông GS. AHLĐ Vũ Khiêu, hồ sơ 65.

 

    Hơn nữa, khi con người được sống, được đồng hành, vận động cùng dân tộc mình thì “không thể có hạnh phúc ở sự tủi nhục của người dân mất nước. Hạnh phúc không phải ở chỗ ăn sang, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng. Hạnh phúc không phải ở địa vị xã hội cao sang…. Hạnh phúc chân chính của con người là ở tinh thần đấu tranh cách mạng, ở sự gắn bó với đồng bào, ở sự xây dựng cho bản thân mình những tư tưởng lớn, tình cảm lớn” (6). Do vậy, để niềm vui được trọn vẹn, hạnh phúc được đong đầy, thì điều mà chúng ta không thể phủ nhận việc được sống trong một đất nước độc lập, hoà bình và làm thế nào để có, để giữ vững được nền độc lập, tự do, hoà bình ấy là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, để “xây dựng cho bản thân mình những tư tưởng lớn, tình cảm lớn” hay đó cũng chính là vượt qua những mưu cầu, lợi ích cá nhân, nhóm người để hướng tới tương lai, hạnh phúc cho tất cả mọi người là điều không phải dễ dàng, nhưng không phải không thực hiện được, khi có sự nỗ lực, cố gắng mở rộng lòng mình.

 

Những nụ cười kháng chiến. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Tài liệu ảnh phông Bộ Ngoại giao, SLT 3128.

 

    Hơn nữa, theo GS. AHLĐ Vũ Khiêu thì thước đo hạnh phúc còn “được thể hiện bằng tài năng và phẩm chất của mình trong lao động hàng ngày,... được không ngừng học tập để phát triển trí tuệ và tài năng” (7), mặt khác, “sự tiến bộ của xã hội ngày càng tạo điều kiện cho con người phát triển trí tuệ và tài năng, khiến con người ngày một phân biệt được đúng và sai, hay và dở, đẹp và xấu trong cuộc sống của mình. Tư duy vì thế là một đặc điểm ở con người và lẽ phải cũng là một nhu cầu và hạnh phúc. Lao động để cải tạo thiên nhiên, tình thương trong quan hệ xã hội và lẽ phải để dắt dẫn hành động và lẽ sống của con người. Đó không những là nguồn hạnh phúc chân chính của con người mà còn là thước đo trình độ văn minh của xã hội” (8). Nhưng có lẽ, trong vòng xoáy của sự phát triển nhộn nhịp, đa dạng xã hội ngày nay có thể sẽ có những người không nhận ra hay quên đi niềm hạnh phúc này hoặc có thể sự cống hiến đó của họ ít hoặc thậm chí không được nhìn nhận,…do vậy cảm xúc hạnh phúc ấy dần bị ngược đãi, dần bị trôi đi.

 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các cán bộ công nhân viên ngành Điện vui mừng trong việc xây dựng đường dây 500KV Bắc - Nam. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

 

    Trong những mối quan hệ, đánh giá, nhìn nhận khác, GS. Vũ Khiêu còn cho rằng: “Con người tồn tại và phát triển trong mối quan hệ mật thiết với những người chung quanh, với xã hội của mình… Sự gắn bó ấy tạo ra những tình cảm yêu thương sâu sắc giữa người và người. Tình thương vì thế cũng là nhu cầu và hạnh phúc của con người” (9) và “Hạnh phúc của chúng ta là cuộc sống tình nghĩa giữa nhân dân lao động. Đó là mối tình ruột thịt nhường cơm sẻ áo. Đó là tình bạn, tình đồng chí, trong hiểm nghèo cũng như chiến thắng. Đó là tình chung thuỷ giữa vợ chồng, ngọt bùi ấm lạnh có nhau. Đó là tình nghĩa láng giềng, săn sóc nhau khi tối lửa tắt đèn. Sức mạnh ấy của tình thương được coi như hạnh phúc lơn nhất của con người” (10). Có lẽ chính “tình cảm yêu thương” này là sợi dây vô hình giúp tạo nên sự gắn kết bền chặt của niềm “hạnh phúc” và “hạnh phúc” trở thành một khái niệm vô cùng giản đơn, bình dị, gần gũi nhưng lại hàm chứa sức mạnh tạo nên nét đặc sắc, dấu ấn trong truyền thống văn hoá của người Việt Nam.

 

Gia đình của Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và Nhà thơ Xuân Quỳnh. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông Nhà thơ Xuân Quỳnh.

 

Sự cống hiến, hy sinh, tinh thần lạc quan, chung tay của đồng bào cả nước trong chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, khối tài liệu sưu tầm về phòng, chống đại dịch Covid-19.

 

    Có lẽ trong mỗi chúng ta sẽ có những định nghĩa, cảm xúc riêng về 2 từ “hạnh phúc”. Hạnh phúc đôi khi vô cùng bình dị, ở quanh ta, cạnh ta hay ngay trong ta và đó là sự cảm nhận không chỉ của riêng ai, nhưng cũng không ai giống ai, có thể là hạnh phúc khi được làm những điều mình yêu thích, được hiểu, thông suốt những điều mình còn băn khoăn, hạnh phúc khi thấy thành quả lao động, sáng tạo, hy sinh, hạnh phúc được thấy nụ cười, giọt nước mắt đoàn viên của những người thân hay kể cả những người ta chưa từng quen biết, hạnh phúc khi được sống trong mái nhà trên đất nước yên bình, khi được chứng kiến sự lớn mạnh của nền kinh tế, sự tinh tế của văn hoá,... Tìm thấy hạnh phúc từ những điều giản đơn để hiểu, để biết trân quý những gì mình đang có, hành động để mang lại những điều tốt đẹp tới cho chính mình, cho những người xung quanh ta và cho cộng đồng, từ đó biết cố gắng để vượt lên những trở ngại, khó khăn, biết sống chậm để nhận ra giá trị của bản thân cũng như những người xung quanh mình, để biết đủ để có thể tận hưởng những điều tuyệt vời của cuộc sống, biết sẻ chia để biết yêu thương,…

Chú thích:

1. Tiêu đề được sử dụng một phần trong tên của bài viết “Văn minh và hạnh phúc giữa mùa xuân của nhân loại” của GS.AHLĐ Vũ Khiêu.

2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông GS.AHLĐ Vũ Khiêu, hồ sơ 65, tờ 3.

3. “Tuyên ngôn độc lập”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXBCTQG, HN2000, tr.9.

4-10. Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, phông GS.AHLĐ Vũ Khiêu, hồ sơ 65, tờ 3, 4, 5, 8-10, 5.


Các tin khác:
Các tin liên quan:

Liên Kết Website

Video - Sự Kiện

Không có video - Upload lại link

Thống Kê

Hôm nay : 14
Hôm qua : 14
Tháng này : 1342
Tổng truy cập : 206338
Đang trực tuyến : 1